GIÁO XỨ CHÍNH TÒA PHAN THIẾT HÂN HOAN CHÀO ĐÓN CÁC BẠN

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Ngày 10-11 THÁNH LÊÔ CẢ GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

THÁNH LÊÔ CẢ
GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
(~400 - 461)
1.Đôi hàng lịch sử
Thánh Lêô Cả có lẽ sinh tại Etrurie nước Ý khoảng năm 400. Ngài là phó tế của giáo đoàn Rôma. Chúc vụ phó tế lúc đó là chức vụ rất quan trọng vì người giữ chức vụ đó giữ vai trò đại diện cho Ðức Thánh Cha trong các công việc tài chính...
Tháng 8 năm 440, ngài được cử lên ngôi Giáo Hoàng lấy hiệu là Lêô I.
Công việc chính của ngài là lo tẩy trừ các tệ nạn đồi phong bại tục trong Giáo Hội. Ngài luôn để ý đến việc gìn giữ Giáo Hội khỏi những lầm lạc do các bè rối đem lại, nhất là lạc giáo Nestoriô và Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính ra khỏi Thiên tính của Chúa Giêsu và gán cho Ngài hai ngôi vị. Ðể chấm dứt các hậu quả tai hại do các bè rối gây nên, ngài đã triệu tập công đồng năm 451 tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám Mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các hoàng đế, công đồng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Ngài có tài hùng biện và ngoại giao đặc biệt, có thể thuyết phục được những người hung dữ. Ðiển hình là tháng 8 năm 452, Attila chúa rợ Hung (Huns) dẫn quân xâm chiếm Âu Châu, gieo rắc kinh hoàng cho mọi người. Attila kéo quân về Rôma, cả kinh thành run sợ. Nhưng nhờ có Chúa và nhờ tài đức, ngài đã khắc phục được vị tướng đó rút quân trở lại con đường cũ. Năm 455, lại có Gensérie nổi lên đốt phá, hãm hiếp và tàn sát dân lành, chính nhờ ngài mà loạn quân không còn gieo tai họa nữa.
Thêm vào đó, ngài còn lo chấn hưng tinh thần đạo đức của giáo dân đã sa sút. Các bài giảng của ngài tuy đơn sơ, nhưng luôn bao hàm nhiều tính chất thần học. Ngài cũng đã viết nhiều sách vở để bênh vực Giáo Hội, chống lại tà thuyết.
2. Bài học
Có lẽ bài học rõ ràng nhất về cuộc đời vị Giáo Hoàng đặc biệt này là uy quyền và lòng can đảm trong công việc bảo vệ và canh tân Hội Thánh cũng như khi phải đối diện với những thử thách trong cuộc sống của mọi người.
Một trong những việc đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của Đức Lêô Cả Giáo Hoàng là hoàn cảnh lúc ngài mới nhận nhiệm vụ coi sóc và hướng dẫn Hội Thánh. Hồi đó Giáo Hội và đế quốc Rôma phải đương đầu với tình trạng khủng hoảng là nguy cơ dân man di xâm lăng Rôma và sự đe dọa phá hoại niềm tin của lạc giáo Nestoriô và EutychesVới tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường vị tân Giáo Hoàng đã can đảm đương đầu với những thế lực đen tối kia.
Công việc đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ngài là điều chỉnh lại những sai lầm về đức tin và phong hoá trong Giáo Hội, nhất là bảo vệ niềm tin tinh tuyền của Hội Thánh khỏi bị lầm lạc. Bởi lẽ lạc giáo Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính khỏi thần tính Chúa Kitô và chủ trương Đức Kitô có hai ngôi vị. Ngài đã rút phép thông công những người cố chấp theo lạc giáo đồng truyền đốt hết các sách vở lạc giáo.
Để chấm dứt những sai lạc do các bè rối gây ra, đức Lêô Cả đã triệu tập một công đồng chung tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các Hoàng đế, công đồng đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy ngài không đích thân đến chủ tọa, nhưng đã cử đặc sứ đến đại diện. Bức thư ngài viết gởi Phavianô được tất cả các Đức Giám mục hoan nghênh. Cả về từ ngừ và tư tưởng thần học trong bức thông điệp đều được dùng làm nền tảng cho những nghị quyết về tín lý của Công đồng.
Điểm tiếp theo là ngài để tâm chăm sóc đặc biệt đến hàng giáo phẩm, cấm các giáo sĩ không được tham gia các chức vụ phần đời. Chính ngài đã ban nhiều thông điệp khuyên hàng giáo sĩ hãy cố gắng sống đời sống thánh thiện gương mẫu xứng với chức vụ của mình. Ngài lưu ý các linh mục và các Giám mục phải thận trọng trong việc tuyển chọn những người có tư cách xứng đáng để lãnh nhận các chức vụ thánh vì nếu không sẽ gây thiệt hại cho Giáo Hội và quốc gia.
Cuối cùng một sự kiện lịch sử mà người ta không thể không nói tới. Tháng 8 năm 452 Áttila một lãnh chúa oai hùng của người Hung mà vó ngựa của ông đã dày xéo khắp Á Châu, nay lại muốn dày xéo cả Âu Châu. Áttila đem đoàn quân kỵ mã tiến về Rôma. Cả kinh thành run sợ khiếp vía. Nhưng chính lúc đó, Thiên Chúa, qua vị đại diện của Ngài là đức Lêô I đã làm một việc khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc.
Trước đó, đức Lêô I đã hiệu triệu Rôma và toàn thế giới Công giáo cầu nguyện và hy sinh một tuần. Hàng vạn kỵ binh quân Hung do Áttila cầm đầu rầm rộ tiến về hướng Rôma và dừng lại bên bờ sông Minsiô để quan sát tình hình. Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Lêô I với trang phục đại trào dẫn đầu một đoàn rước đông đảo tiến về phía bờ sông. Theo sau ngài có một đoàn các Giám mục, Linh mục, tu sĩ mặc lễ phục hay tu phục vừa đi vừa hát thánh ca, thánh vịnh. Khi hai biển người giáp mặt đối diện với nhau ở hai bên bờ sông Minsiô thì người ta nhận thấy có một sự tương phản hết sức rõ rệt: Một bên là bừng bừng sát khí, bên kia là hiền hoà khả ái; một bên là hận thù ghen ghét, bên kia là tha thứ yêu thương. Tiếng ngựa hí xen lẫn tiếng lẻng kẻng của võ khí không lấn át tiếng hát lời Kinh.
Lãnh Chúa Áttila ngồi bất động trên lưng ngựa, ra chiều suy nghĩ. Tiếng hát huyền diệu và lời Kinh đã nâng lòng ông lên chăng? Hay một sức linh thiêng nào đó đã cuốn hút ông đưa ông trở về cái cốt lõi của con người là lòng nhân ái. Thế rồi ông giơ cao thanh kiếm ra lệnh rút quân trong thinh lặng. Đoàn con Chúa trở về trong tiếng hát mà không phải đổ một giọt máu nào. Tạ ơn Chúa vô cùng.   
Sau cuộc chiến thắng vẻ vang không đổ một giọt máu, đức Lêô khải hoàn vào thành giữa tiếng hoan hô của muôn người.
Sau gần 21 năm cai trị Giáo Hội trên toà thánh Phêrô, công lao của đức Lêô đối với Giáo Hội thật đáng kể. Ngày 11 tháng tư năm 461 ngài êm ái từ trần trong tay Chúa để lại bao mến thương cho toàn thể Giáo Hội nói chung và dân tộc Italia nói riêng. Xác ngài được an táng tại đại giáo đường thánh Phêrô. Lịch sử đã gọi ngài là Lêô Cả vì quả thực ngài là một trong những vị Giáo Hoàng vĩ đại của lịch sử Hội Thánh.

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Thánh Giuse Lê Ðăng Thị (1825-1860)


Giuse Lê Ðăng Thị (1825-1860)



           

 Giuse Lê Ðăng Thị, Sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 24/10.



Cùng bạn về trời



Đúng ngày bị hành quyết, cai đội Giuse Lê Đăng Thị thức dậy rất sớm. Ông đánh thức một tù nhân bị xử tử cùng ngày, rồi đưa anh vào một gócnhà giam. Sau nhiều ngày tận tâm hướng dẫn người bạn dự tòng này, hôm nay (24.10) ông nghiêm trang đổ nước rửa tội cho anh "Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần". Thế là ông có một người bạn đồng hành với mình vào quê hương vĩnh phúc trên Trời.



Giuse Lê Đăng Thị sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, làng Văn Quy, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Thân phụ anh giữ chức Cai đội. Lớn lên anh cũng theo nghề của cha, xin nhập ngũ và phục vụ trong quân đội nhà vua. Một thời gian sau, anh được thăng Chưởng vệ trông coi lính ở Hà Tĩnh, rồi được dời vào Nghệ An. Tại đây, anh lập gia đình và sống hạnh phúc với vợ con.



Bão tố và niềm tin.



Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện ra lệnh của mình chưa được thi hành đồng loạt, vì ngay trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng có người theo đạo Công Giáo. Ngày 15.12.1859, nhà vua ra thêm một chiếu chỉ bắt tất cả các quan có đạo đó. "những quan nào có đạo (theo tà đạo), dù thành thực bỏ đạo cũng phải truất chức. Cần phải điều tra cẩn thận để tìm thêm những viên chức triều đình theo tà đạo. Những ai không tố giác, hoặc chứa chấp trong nhà mình, cũng bị trừng phạt như chúng…". Nhà vua còn bắt tất cả các quan quân phải bước qua Thánh Giá trước khi ra trận đánh giặc Tây. "Ai không bỏ đạo sẽ bị giải ngũ, bị khắc chữ tả đạo vào má và phát lưu".



Theo lời khuyên của quan trấn thủ, ông cai đội Lê Đăng Thị làm đơn xin xuất ngũ lấy cớ bệnh tật. Đơn xin được chấp thuận, ông trở về quê cũ để vợ con ở lại Nghệ An. Tháng giêng năm 1860, chiếu chỉ vua Tự Đức trên đây được áp dụng triệt để trên toàn quốc, ông cai Thị vì có kẻ tố giác, nên bị bắt ngày 29.1, cùng với một số bạn đồng ngũ khác và bị giải về Quảng Trị. Ông vui vẻ nhận mình là cai đội và là Kitô hữu.



Cuối tháng hai, ông phải ra tòa cùng với 31 quân nhân khác. Trong số đó có ba người bỏ đạo. Tất cả đều bị cách chức, một được tha về vị gìa yếu, còn lại 10 người bị thích tự, lưu đày chung thân, 17 người bị án tử hình giam hậu.



Riêng ông cai Lê Đăng Thị nhận án xử giảo, nhưng hẹn đến cuối tháng mười mới thi hành. Từ đó ông được đưa về giam ở khám đường Huế. Trong một lá thư gửi về cho vợ, ông viết: "Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày".



Xứng danh huynh trưởng



Suốt thời gian trong tù, vì là người có cấp bậc cao nhất, ông cai Thị khích lệ các anh hùng đức tin cùng bị giam bằng lời nói và nhất là bằng mẫu gương trung thành, cam đảm. Cũng do chức vụ ấy, ông bị mang một gông rất nặng và bị đánh đập tra tấn nhiều hơn mọi người. Dù còn trẻ trung sung sức, nhưng trước những cực hình dã man, ông đã ngã bệnh. Khi đó, ông chia sẻ với các bạn tù lo lắng lớn nhất của mình. ông nói : "Tôi không rõ Chúa có cho tôi sống đến ngày tử đạo không. Tôi sợ bệnh tật làm tôi chết sớm hơn. Than ôi ! Chắc vì tội tôi, nên Chúa từ chối cho tôi ơn trọng ấy".



Một linh mục đã đến thăm và giải tội cho ông. Hôm sau một thày giảng cũng lén vào trao Mình Thánh Chúa cho ông. Ngày 24.10.1860, ông Cai bị dẫn đi hành hình. Viên quan đề nghị ông lần cuối cùng xuất giáo, và hứa xin vua ân xá, nhưng ông cai Thị quyết liệt từ chối. Bản án của ông được ghi như sau : "Lê Đăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được. Y bị kết án xử giảo cuối mùa thu".



Vạn phúc



Tại pháp trường An Hòa (Huế), ông Cai kính cần qùy trên chiếc chiếu cầu nguyện. Một linh mục đứng lẫn trong đám dân chúng ra dấu và giải tội lần cuối cho ông. Sau đó, ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi sắp được tử đạo". Lý hình quấn một sợi dây vào cổ ông cai đội, rồi chia ra hai bên kéo thật mạnh cho tới khi chứng nhân Chúa Kitô tắt thở. Các tín hữu Phủ Cam tổ chức lễ an táng đông đảo tại xứ mình. Hiện nay hài cốt vị tử đạo còn được lưu giữ tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế - Huế.



Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.



Nguồn từ tu viện Đa Minh

Trường thi tử Đạo.



Lê Ðăng Thị sinh năm Ất Dậu (1825)

 Tại Kẻ Văn Phú Hậu miền Trung

 Gia đình binh nghiệp ung dung

 Võ quan tài giỏi tin cùng giáo dân



 Khi chiếu chỉ có phần gay gắt

 Lê Ðăng Thị sắp đặt phục viên

 Ðơn xin bệnh hoạn đưa lên

 Cấp trên chấp nhận về liền Nghệ An



 Thêm chiếu chỉ liên can toàn quốc

 Ai trốn chui bắt được tố ra

 Ðăng Thị có kẻ ghét mà

 Lên quan tố giác trước tòa quân nhân



 Thị bị bắt về phần lẩn trốn

 Trong số này có bốn bạn thân

 Giải về Quảng Trị Trung Phần

 Ðể quan xét xử tội nhân ra tòa



 Ông Ðăng Thị nhận là Chưởng vệ

 Rõ đầu đuôi sự thể xin ra

 Kitô hữu đúng thật mà

 Giải ông về Huế rồi là tống giam



 Cùng đồng bạn lệnh ban xử giảo

 Ngồi trong tù anh thảo bức thư

 Nghĩ rằng còn gặp nữa ư

 Thương em anh nhớ giã từ các con



 Ở trong ngục cấp còn cao nhất

 Ông Ðăng Thị, chân thật sẻ chia

 Trung thành can đảm nọ kia

 Cấp cao gông nặng, mũ hia dữ đòn



 Tuy tuổi trẻ không còn sung sức

 Lắm cực hình đau tức lâm nguy

 Tâm tình với bạn thầm thì

 Chúa cho tôi sống để đi pháp trường



 Sợ bệnh hoạn dở dương chết sớm

 Chắc vì tôi mắc vướng tội nhiều

 Nguyện cầu xin Chúa thương yêu

 Cho con ơn trọng là điều ước mong



 Một Linh mục vào trong giải tội

 Sau có thầy tìm lối đến trao

 Máu Mình Thánh đã đem vào

 Ngày mai Chưởng vệ giải giao pháp trường



 Giờ phút cuối quan thường khuyên giải

 Xuất giáo đi án cải xin vua

 Ông Thị quan chớ giỡn đùa

 Tôi trung của Chúa là Vua Nước Trời



 Lính dẫn giải ra nơi để xử

 Giuse Thị vẫn cứ nguyện cầu

 Một Linh mục đến từ lâu

 Giải tội lần chót phép mầu trao ban



 Ông hô lớn Thiên Ðàng vạn phúc

 Bọn lý hình tới lúc xiết dây

 Chứng nhân tắt thở rồi đây

 Phú Cam tổ chức tràn đầy giáo dân



 Phúc tử đạo Canh Thân (1860) sử sách



Một võ quan tư cách tuyên xưng

 Pháp trường cầu nguyện không ngừng

 Suy tôn Kỷ Dậu (1909) vui mừng Nước Cha



 Ngay giáo xứ mở ra an táng

 Là chứng nhân xứng đáng Giuse

 Hồng ân Thiên Chúa lắng nghe

 Về sau hài cốt chở che nhà dòng



 (Hài cốt Giuse Lê Ðăng Thị Chưởng vệ được đặt trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế)



Lời bất hủ: Bản án của ông Cai đội như sau: "Lê Ðăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được". Y bị kết an xử giảo cuối mùa thu. Khi nghe bản án xong ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc, vạn phúc! Tôi sắp được Tử đạo".

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Thánh Anrê Kim Têgon và thánh Phaolô Chong Hasang

Thánh Anrê Kim Têgon
 và thánh Phaolô Chong Hasang

Thánh Anrê Kim Têgon là linh mục và thánh Phaolô Chong Hasang là một tín hữu Công giáo. Hai vị tử đạo này đại diện cho nhiều Kitô hữu đã hy sinh mạng sống vì đức tin tại Hàn quốc. Các ngài được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 1984 nhân chuyến viếng thăm đất nước này.

Kitô giáo được những giáo dân đem vào Hàn quốc hồi thế kỷ thứ 17. Các tín hữu đã âm thầm nuôi dưỡng và tăng triển đức tin của họ dựa trên lời Chúa. Các linh mục thừa sai trẩy tàu từ Pháp sang Hàn và giới thiệu cho dân Hàn hiểu biết về đời sống bí tích của Hội Thánh. Thỉnh thoảng, suốt dọc thế kỷ thứ 19, đức tin Kitô giáo bị chính phủ Hàn bách hại. Từ năm 1839 đến năm 1867, đã có tổng cộng 103 tín hữu Hàn bị giết hại. Cũng có mười thành viên của hiệp hội Thừa Sai Pari nước ngoài chịu tử vì đạo: gồm 3 giám mục và 7 linh mục. Điều này đã nâng tổng số các thánh tử đạo lên 113 vị.

Thánh Anrê Kim Têgon và thánh Phaolô Chong Hasang là đại diện cho các Kitô hữu Hàn đã can đảm hy sinh mạng sống mình vì tình yêu Chúa Kitô. Thánh Anrê Kim Têgon, linh mục đầu tiên của Hàn quốc, đã tử vì đạo ngày 16 tháng Chín năm 1846, chỉ một năm sau khi được thụ phong. Thân phụ của Anrê đã tử đạo năm 1821. Thánh Phaolô Chong Hasang là một giáo lý viên rất anh dũng. Thánh nhân chịu tử đạo hôm 22 tháng Chín năm 1846.

Giáo hội vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng tại Hàn quốc. Món quà đức tin được tiếp nhận và được tô bồi nhờ công lao của các thánh tử đạo, những người đã hy sinh làm đá lát đường.

 Mỗi vị tử đạo là một bài giảng âm thầm. Khi chúng ta suy ngắm cái chết của một vị tử đạo nào đó, chúng ta học được một sứ điệp. Chúng ta hãy nài xin các thánh tử đạo Hàn quốc giúp chúng ta cũng yêu mến Chúa Giêsu và Giáo hội cách tha thiết như vậy.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

1. Nếu như thế kỷ XIX đã được coi là thế kỷ của lòng sùng kính Thánh Mẫu Maria, thì thế kỷ này cũng còn được gọi là thế kỷ của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thực ra, lòng tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, một trái tim 'con người' của Ðấng là 'Con Thiên Chúa', mời gọi các tín hữu chiêm ngắm như dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Lòng tôn sùng này đã được Thánh Gioan Euđê (1680) cổ vũ từ giữa thế kỷ XVII, và nhất là qua các thị kiến mà Thánh nữ Margarita-Maria Alacoque (1690) nhận được tại Tu viện Thăm Viếng ở Paray-le-Monial vào năm 1673 và 1675; trong các thị kiến, M-M. Alacoque được Chúa Giêsu chỉ cho thấy Trái Tim Người, "một trái tim đã yêu thương con người đến thế, mà chỉ nhận được sự đáp trả bạc bẽo vô ơn". Thánh nữ còn được uỷ thác việc cổ vũ xin thiết lập một ngày lễ kính Thánh Tâm. Nhưng phải đợi đến gần hai thế kỷ sau ngày ngài qua đời, vào năm 1856, Ðức Piô IX mới chính thức thiết lập ngày lễ này trong toàn Giáo Hội. Rồi sau đó, dưới thời các Ðức Giáo hoàng Lêô XIII, Piô XI và Piô XII, đã có các giáo huấn liên hệ đến việc tôn sùng Thánh Tâm qua Thông điệp "Annum Sacrum", công bố ngày 25.5.1899 chuẩn bị Năm Thánh 1900, với việc dâng loài người cho Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, thông điệp "Miserentissimus Redemptoris" ngày 18.5.1926, "Summi Pontificatus" ngày 20.9.1939 và "Haurietis Aquas" ngày 15.5.1956.

2. Nền tảng Kinh Thánh cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, đó là đoạn Tin Mừng Ga 19,31-37, về việc xảy ra sau khi Chúa Giêsu chết trên cây thập giá, "một người lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức có máu cùng nước chảy ra". Một đoạn Tin Mừng khác cũng không thể bỏ qua là Mt 11,25-30 về mạc khải rất quý báu: "Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Ta và học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng...".

3. Trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, có ngày lễ Thánh Tâm, và ngày này đã trở thành Ngày Thánh hoá các Linh mục. Chúng ta có thể gợi ra một vài hệ luận đạo đức:

Trước hết, hệ luận liên hệ đến đời sống đạo đức của cá nhân mỗi người: vì biết rằng Chúa đã yêu thương chúng ta, yêu thương từng con người cụ thể, yêu thương hết lòng và yêu thương cho đến cùng, cho đến cái chết để cứu độ... nên chúng ta được mời gọi đáp trả, sống giới luật yêu thương "mến Chúa yêu người", theo gương của Ðấng đã yêu thương chúng ta và cũng theo mức độ như Người đã yêu thương, để đi vào cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể yêu thương đón nhận mọi người anh chị em chung quanh. Chớ gì khi được Thánh Tâm Chúa nung đốt, chúng ta cũng biết mặc lấy tâm tình của Chúa, một đàng ý thức thân phận yếu đuối của mình để sám hối ăn năn, và đàng khác biết thật lòng sống yêu thương như Chúa muốn.

Hệ luận thứ hai nhắc nhở chúng ta cầu nguyện nhiều cho hàng linh mục, xin Chúa ban cho các ngài là những mục tử chăm sóc các linh hồn biết để cho Tình Yêu của Chúa uốn nắn, làm cho các ngài nên "những mục tử như lòng Chúa mong muốn".

Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria



Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria

Trong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Pio IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria, hoặc các kiểu nói tương tự.

 Nhưng nhầt là sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima bên Bồ Đào Nha năm 1917 với ba trẻ mục đồng Lucia, Phanxicô và Giacinta, và viêc phát hành các bút tích của chị Lucia, kiểu nói ”trái tim vô nhiễm nguyên tội” Mẹ Maria chiếm ưu thế trong thói quen của Giáo Hội và trong phụng vụ. Nó đạt tột đỉnh giữa các năm 1942-1952, vì ảnh hưởng của các biến cố tại Fatima đã xác định việc thánh hiến thế giới cho Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ và nhiều cuộc thánh hiến từ phía các cơ cấu giáo hội, và đôi khi cả từ các tổ chức dân sự. Phong trào tôn sùng Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ đạt tột đỉnh vào năm 1944 với việc cử hành lễ kính trong toàn Giáo Hội Latinh. Các năm đó cũng là thời điểm lòng sùng kính Đức Mẹ nở hoa, và việc tôn sùng Trái Tim vô nhiễm Mẹ Maria đạt cường độ mạnh mẽ chưa từng thấy.

 Tuy nhiên, rất tiếc các năm trước khi Công Đồng Chung Vaticăng II khai mạc, và nhất là thời gian hậu Công Đồng, lòng tôn sùng Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria gặp khủng hoảng, cũng giống như lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong Thông điệp ”Haurietis aquas” ”Các con sẽ kín múc nước” về lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, công bố ngày 15 tháng 5 năm 1956, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã viết rằng: ”Thật đáng than phiền rằng trong qúa khứ cũng như trong ngày nay, việc phụng tự rất cao qúy này đã không có được vinh dự và sự trân trọng nơi một số Kitô hữu, và đôi khi cả nơi một số người nói rẳng họ được linh hoạt bởi sự nồng nhiệt chân thành đối với các lợi ích của đạo công giáo và việc thánh hóa chính mình”.

 Ngay trong năm 1956 Thông điệp đã duyệt xét các lý do qua đó, theo ý kiến của vài tác giả, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã gặp khủng hoảng. Đối với họ việc tôn sùng Thánh Tâm là điều không thời sự và không thích hợp, là ”ít đáp ứng, nếu không nói là làm hại cho các nhu cầu tinh thần cấp thiết nhất của Giáo Hội và của nhân loại trong giờ phút hiện tại này”; là ”siêu tưới gội, vô ích và nguy hại” đặc biệt đối với những chiến sĩ của Nước Thiên Chúa, lo lắng thánh hiến điều tốt nhất trong các năng lực tinh thần của họ để gia tăng các thực hành và các việc đạo đức, mà họ coi là cần thiết hơn cho thời đại ngày nay”; là ”suy tàn và tình cảm”, nghĩa là ”một hình thức tôn sùng thấm nhuần tình cảm hơn là các tư tưởng cao qúy và các trìu mến, và vì thế phù hợp với phái nữ hơn là với các người có học thức”; là có dấu vết ”yếu đuối thụ động”, bởi vì họ cho rằng ”việc tôn sùng này qúa bị cột buộc vào các hành động hãm mình, đền tội và các nhân đức mang dấu vết thụ động, vì thiếu các hoa trái rõ ràng bề ngoài, và do đó ít thích hợp với việc củng cố tinh thần tu đức tân tiến, mà bổn phận hoạt động công khai phải có”.

 Đây là các thành kiến đích thật được nuôi dưỡng bởi chủ thuyết duy tự nhiên và khuynh hướng tình cảm gia tăng. Để giải thích chúng một vài tác giả đã đưa ra các lý do sau đây. Chẳng hạn như sự không chính xác của nền thần học liên quan tới việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu; việc ”đền bù” bị hiểu sai và thực hành lại còn sai hơn nữa; tinh thần tu đức suy đồi được khích lệ trong một vài hiệp hội đạo đức; biểu tượng bị áp dụng lệch lạc và được giới thiệu như là một bức màn chắn giữa Chúa Kitô và tín hữu; một vài sự không hài hòa giữa các hình thái việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và các hình thức sâu xa hơn của lòng đạo đức trong thời đại chúng ta; các hình thức được gợi hứng bởi giáo hội học, bởi giáo thuyết về thân mình mầu nhiệm, kinh nghiệm về cuộc sống của Thiên Thúa Ba Ngôi. Thế rồi còn có sự vỡ mộng và cụt hứng không thể biệm minh, nhưng thực sự đối với vài ”lời hứa” vén mở cho thấy chúng vô ích, khi nhằm bảo đảm cho các cá nhân và xã hội chống lại các tai ương: thí dụ như ”Ta sẽ thống trị bên Tây Ban Nha với nhiều tôn sùng hơn các nơi khác”; khuynh hướng tôn sùng ích kỷ và duy lợi ích xem ra xúi dục sự tôn sùng này, trong khi nó bị hiểu sai; nghệ thuật các ảnh tượng chưa gặp được các hình thái diễn tả giá trị, vì nó đã không thành công trong việc cống hiến nhiều hơn là vài kiểu mẫu gợi hứng mòn mỏi hay một sở thích gây chán nản. Và những nhận xét đại loại kéo dài vô tận, trong các nguyệt san đạo đức, trong các sách báo tôn giáo, các bài giảng vô vị và tuyệt đối, trái nghịch với các khuynh hướng tân tiến ngày càng đòi hỏi sự đơn sơ và chân thật.

 Ở đây không phải là chỗ để bênh vực lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ, cũng đã chịu cuộc khủng hoảng như lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, tuy trong các tỷ lệ ít hơn. Các phương thức giúp ra khỏi cuộc khủng hoảng này trước hết thuộc trật tự tổng quát, và cũng là những phương thức cho phép thoát khỏi cuộc khủng hoảng gọi là ”cuộc khủng hoảng thời hậu công đồng”. Tuy nhiên, không thể coi Công Đồng Chung Vaticăng II là nguyên do của cuộc khủng hoảng này. Nó đã chỉ là dịp, vì các văn bản giáo huấn tuyệt hảo của Công Đồng đã chỉ được đọc và áp dụng bởi một vài lãnh vực trong Giáo Hội. Nói cách khác, chính sự kiện đại đa số Kitô hữu đã không đọc, không hiểu biết, thấm nhuần, áp dụng và sống các giáo huấn của Công Đồng nên mới có các lệch lạc gây ra cuộc khủng hoảng đó.

 Bởi vì, nếu thực sự Công Đồng Chung Vaticăng II đã hướng lòng đạo đức của tín hữu tới việc thờ phượng có tính cách phụng vụ, thì Công Đồng đã không hề lơ là trong việc nhắn nhủ họ về các cung cách sống đạo bình dân chân thực. Bằng chứng là số 67 Hiến chế về Giáo Hội viết rõ ràng như sau: ”Giáo Hội khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Mẹ và đã được Huấn Quyền Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Nữ Trinh và các Thánh.

 Công Đồng cũng hết lòng khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng lời Chúa, khi xét đến phẩm giá phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm, cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi qúa đáng... nhưng hãy làm sáng tỏ đúng mức những vai trò và đặc ân của Đức Trinh Nữ; những chức vụ và đặc ân này luôn luôn quy hướng về Chúa Kitô là nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức. Họ phải cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay việc làm có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự đễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

 Như thế, chúng ta phải công nhận rằng cần canh tân việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ theo các tiêu chuẩn sau đây.

 Thứ nhất, trở về với các nguồn mạch đích thật của việc tôn sùng là Thánh Kinh, Truyền Thống, Huấn Quyền và suy tư thần học được cập nhật. Dĩ nhiên, không thể bỏ qua vài ”nguồn mạch” có tính cách thần bí và đặc sủng, khi chúng chân thực như các mạc khải trong các lần Đức Mẹ hiện ra ở Helfta, Paray-le-Monial, Fatima vv... Tuy nhiên, các nguồn mạch có tính cách đặc sủng này phải được minh giải và đặt để dưới các nguồn mạch chính của lòng đạo đức Kitô.

 Thứ hai, canh tân các thực hành ”cổ điển” sùng kính Trái Tim Mẹ Maria và các cơ cấu đã mất tính thời sự. Điều này đòi hỏi phải duyệt xét nền tảng phê bình lịch sử các ”lời hứa”, bằng cách nhận ra nơi chúng ý nghĩa sâu xa, mà chúng có trong lãnh vực thần học về ơn thánh, và tránh đừng để bị lôi kéo bởi cơ chế của các công thức.

 Thứ ba, cần có giải thích thần học ý niệm nền tảng về việc đền tạ để thiết lập một mối dây sâu xa giữa các việc sùng kính này và các mầu nhiệm cao cả nhập thể và cứu chuộc như lời thánh Jean Eudes đã nói: ”Tôi muốn cho thấy một cách rõ ràng rằng việc tôn sùng này không phải là không có nền tảng cũng như lý do, mà nó dựa trên các nền tảng vững vàng và chắc chắn đến độ tất cả mọi quyền lực của trái đất và của hỏa ngục cũng không có khả năng phá hủy... và điều này để khơi dậy một sự trân qúy khác đối với việc tôn sùng Trái Tim rất thánh của Mẹ Thiên Chúa, như là việc tôn sùng rất vững chắc và rất có nền tảng...” (x. S. De Fiores, Maria presenza viva nel popolo di Dio, Roma 1980, 86-88).

 Tóm lại, có thể nói lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria luôn đi song song với nhau. Bởi vì trong gia đình nhân loại đã không hề có hai trái tim nào và sẽ không bao giờ có hai trái tim nào khác đập cùng nhịp yêu thương cứu chuộc như Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria. Phúc cho các Kitô hữu nào có lòng yêu mến và tôn sùng Hai Trái Tim Cực Thánh ấy, vì Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Maria sẽ đặc biệt che chở và không bao giờ để cho họ bị hư mất đời đời.