GIÁO XỨ CHÍNH TÒA PHAN THIẾT HÂN HOAN CHÀO ĐÓN CÁC BẠN

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Lễ Thánh Gia

CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE

(Chúa nhật trong tuần bát nhật Giáng Sinh)
Trong Tuần Bát Nhật, lịch phụng vụ có ghi một lễ mừng có một ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong xã hội ngày nay : đó là Lễ Thánh Gia Thất : Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse (tên gọi như trong Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu II, 1992, tr. 159-161). Hôm nay chúng ta tìm hiểu lễ này xét về khía cạnh phụng vụ : lễ Thánh Gia thất có ý nghĩa nào, nói kiểu khác, lễ này được hiểu như thế nào trong bối cảnh Mùa Giáng Sinh và áp dụng vào trong bối cảnh xã hội ngày này ?
I. LỄ THÁNH GIA THẤT TRONG BỐI CẢNH MÙA GIÁNG SINH
1. Lễ Thánh gia thất trong việc canh tân Năm phụng vụ và Lịch phụng vụ
Như chúng ta biết, trong Mùa Giáng sinh, ngoài lễ trọng Giáng sinh ra, chúng ta còn có những lễ mừng khác, như Lễ Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa, cử hành vào ngày bát tuần Lễ Giáng Sinh, cũng là ngày đầu năm mới dương lịch, mồng một tháng giêng. Tiếp theo sau đó là ngày lễ Hiển Linh, tức là lễ Ba Vua; Sau cùng là lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, như là kết thúc Mùa Giáng Sinh. Tất cả những lễ này đều đã có trong phụng vụ Giáo hội bên Đông cũng như bên Tây, từ lâu đời, và có nền tảng là các sự kiện trong lịch sử thánh. Trong khi đó Lễ Thánh Gia thất không có tính cách lâu đời như các lễ kia; ngoài ra lễ Thánh Gia thất có nguồn gốc từ một phong trào tu đức mới đây cổ võ việc thánh hóa gia đình, thịnh hành tại một số nơi, nhất là tại Canađa, sau đó phong trào nàyđược phổ biến trong toàn thể Giáo hội.
Rồi lễ Thánh Gia thất và lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là hai lễ được sắp xếp lại từ khi cải tổ Năm phụng vụ và lịch phụng vụ vào năm 1969ï, do Công đồng Vaticanô II khởi xướng : như lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, trước đây mừng vào ngày 11 tháng 10 hằng năm. Ngày nay thì mừng vào ngày đầu năm mới, mồng một tháng giêng.
Lễ Thánh Gia thất trước kia mừng vào Chúa nhật sau Lễ Hiển Linh. Nhưng ngày nay Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh được dành để cử hành biến cố Chúa Giêsu Kitô chịu phép rửa. Vì thế Lịch phụng vụ ban hành năm 1969, đã xếp vào lễ Thánh Gia thất được cử hành vào Chúa Nhật trong tuần bát nhật lễ Giáng sinh, hoặc nếu không có Chúa Nhật, thì mừng vào ngày 30 tháng 12 mỗi năm.
Ở đây tôi phải mở một dấu ngoặc về một nguyên tắc căn bản để xác định các lễ được cử hành trong phụng vụ. Nguyên tắc căn bản này có nghĩa là phụng vụ luôn và hầu như chỉ cử hành các biến cố trong lịch sử cứu rỗi. Một số rất ít lễ được thiết lập để cử hành một tín điều. Về điểm này, chúng ta có thí dụ cụ thể nhất, đó là Lễ Chúa Ba Ngôi, lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, lễ ngoại lịch về lòng nhân từ của Thiên Chúa, mới được đưa vào trong Sách Lễ Rôma. Lý do làm nền tảng cho nguyên tắc này : là vì phụng vụ tưởng niệm lại lịch sử cứu rỗi, để tung hô và ca tụng các kỳ công của Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử thánh. Cho nên đây là điều hợp lý. Vậy có rất ít lễ cử hành theo một tư tưởng... như chúng ta vừa nói ra trên đây. Vì thế biến cố Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, sống tại Nagiarét, là một sự kiện trong lịch sử thánh, tuy nhiên Năm phụng vụ đã cử hành riêng từng Vị trong các lễ khác nhau rồi.
2. Lịch sử việc thành hình Lễ Thánh gia thất
Xét về việc thành hình lễ Thánh Gia thất, chúng ta thấy đây cũng là một biến chuyển khác thường. Phải nói là lễ Thánh Gia thất mới có đây và xuất hiện gần với chúng ta, tức là vào năm 1921. Vào năm 1893, người ta thấy có việc cử hành lần đầu tiên một lễ kính Thánh gia thất, do lời xin với Tòa Thánh từ các giáo phận hoặc các Dòng tu có lòng tôn sùng Thánh gia thất. Và lễ này được xác định cử hành vào Chúa nhật thứ ba sau lễ Hiển Linh. Chúng ta nhớ là vào thời trước việc cải tổ niên lịch phụng vụ do Công đồng Vaticanô II, thì sau lễ Hiển Linh còn có mấy tuần, rồi mới tới Mùa Chay.
Lễ này đi kèm với một lòng sùng một Thánh gia thất, vào thế kỷ thứ 19, bắt đầu trước tiên từ bên Canađa, như chúng ta nói trên đây. Dần dần lòng sùng mộ Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu. Phong trào này được Đức Giáo hoàng Lêô thứ XIII khuyến khích. Vào thời kỳ này, người ta nhận thấy các gia đình bị tục hóa, và như vậy gia sản thiêng liêng, các giá trị của gia đình bị tiêu tán. Có nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn. Chính vì thế tín hữu tìm tới gia đình gương mẫu tại Nagiarét để giúp các gia đình công giáo sống đạo và sống ơn bí tích hôn phối.
Lễ Thánh gia thất trước đây chỉ cho phép một số nơi cử hành, sau đó mới lan ra trong toàn thể Giáo hội, tuy nhiên cũng chưa có được chỗ đứng vững chắc trong Năm phụng vụ. Vì vào năm 1911, trong Sách Lễ Rôma, do Đức Giáo hoàng Piô X cho tu sửa và công bố, cũng không có lễ Thánh gia thất. Sau đó vào năm 1920, lễ Thánh gia thất mới lại được đưa vào trong Sách lễ Rôma, và chỉ định ngày Chúa nhật thứ I sau lễ Hiển Linh. Ngày 26 tháng 10 năm 1921, Thánh Bộ Nghi lễ đã ra một sắc lệnh truyền cử hành một số lễ trong toàn thể Giáo hội, trong số lễ này, có lễ Thánh Gia thất, được cử hành vào Chúa nhật Bát nhật sau lễ Hiển Linh (S. Congregatio Rituum, die 26-10-1921, AAS, 13 (1921, tr. 543-544).
Năm 1969, khi cải tổ Lịch phụng vụ cho toàn thể Giáo hội, thì lễ này được dịch sang Chúa nhật trong Tuần Bát nhật Lễ trọng Giáng sinh, hoặc nếu không có ngày Chúa Nhật, thì cử hành vào ngày 30 tháng 12, như chúng ta thấy ngày nay.
II. NỘI DUNG THẦN HỌC PHỤNG VỤ CỦA LỄ THÁNH GIA THẤT
Nói về nội dung thần học của Lễ Thánh Gia thất, chúng ta có thể nhắc lại tư tưởng Thánh Bộ Nghi lễ, khi ban hành việc mở rộng Lễ Thánh Gia thất cho toàn thể Giáo hội, vào năm 1921. Sắc lệnh nói như sau : việc mừng lễ Thánh Gia thất với một lễ phụng vụ là một điều rất thích hợp và giúp cho việc phát triển lòng sùng mộ đối với Thánh gia. Ngoài ra nhờ việc cử hành này, mà chúng ta suy niệm và bắt chước các nhân đức của các thành phần thánh thiện trong gia đình Nagiarét. Như vậy việc mừng lễ Thánh gia thất có chủ đích thần học là để ca tụng tôn vinh Ba Đấng thánh trong nhà Nagiarét. Trong khi mừng lễ này, Giáo hội cũng muốn nêu gương Thánh Gia cho các gia đình công giáo chiêm ngưỡng bắt chước, như trong Lời nguyện đầu lễ được đọc lên như sau: ² Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề caoThánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời² (xc. Lời nguyện hiệp lễ cũng một ý tưởng trên đây) . Đức Thánh Cha Phaolô đã quảng diễn việc noi gương Thánh Gia tại Nagiarét như sau: ² Thứ đến là bài học về đời sống gia đình. Ước chi Nagiarét dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của gia đình, của sự hiệp thông trong tình yêu, của vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, cũng như tính cách linh thánh và bất khả xâm phạm của gia đình. Ước chi Nagiarét chỉ cho chúng ta biết rằng việc huấn luyện tại gia đình êm dịu biết dường nào, và không có gì có thể thay thế được. Ước chi Nagiarét dạy cho chúng ta biết vai trò nền tảng của gia đình trong trật tự xã hội² (Sách Các giờ kinh phụng vụ, tập I, Lễ Thánh Gia Thất, Giờ Kinh sách, Lễ Thánh gia thất).
Nều nhìn vào sự kiện Lễ Thánh Gia thất được cử hành vào Chúa Nhật giữa Lễ Chúa Giêsu giáng sinh và Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, điều này cũng cho ta nhiều ý nghĩa. Trước tiên, lễ Thánh Gia thất mặc khải và minh chứng mầu nhiệm nhập thể cách cụ thể : vì Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, có một gia đình như bao người khác, sống trong một gia đình như chúng ta. Việc Ngài sống trong một gia đình, cũng là một biểu hiệu, Ngài muốn đem nhân loại vào trong sự hiệp thông trọn vẹn của gia đình Chúa Ba Ngôi. Rồi trong dịp Lễ Giáng sinh và Đầu Năm khi người ta thường trở về gia đình, lớn hay nhỏ, để mừng lễ Giánhg Sinh và Tết Dương Lịch, thì gương mẫu của Gia đình Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, trở nên mầu gương sống động cho mọi phần tử trong gia đình từ cha mẹ đến con cái trong cuộc sống đức tin và hiếu thảo. Các bài sách thánh và các kinh nguyện gợi ý rõ ràng về điểm sau cùng này.
Theo Sách Mục lục các Bài đọc trong thánh lễ, ấn bản mẫu thứ hai, ban hành vào năm 1981 (Ordo lectionum Missae, editio typica 1981), chúng ta có cơ cấu và sự sắp xếp như sau:
Trước tiên là Bài Sách Phúc âm cho ba năm A B và C : rút từ các bài tường thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Sách tin mừng theo Thánh Mathêô và Luca : nói về việc Thánh Gia trốn sang Ai cập (Mt 2,13-15); việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ để cử hành lễ đặt tên cho con trẻ và thanh tẩy cho bà mẹ theo như luật dạy (Lc 2,22-40); rồi biến cố Con trẻ Giêsu lạc mất trong đền thờ. Ba biến cố này nằm trong khung cảnh tôn giáo Do thái và trong phạm vi gia đình thật rõ ràng; vai trò của thánh Giuse và Đức Mẹ được nhận ra trong khung cảnh một gia đình, như các gia đình khác; còn Chúa Giêsu được mô tả như một người con của gia đình, nhưng Ngài cũng cho thấy Ngài hướng về, và giúp chúng ta hướng về một gia đình cao trọng hơn, trong đó Thiên Chúa là Cha.
Tiếp theo là các bài Sách Cựu ước giúp quảng diễn thêm về sứ điệp trong bài Phúc âm. Tất cả được chọn cho từng năm một, để cho thấy cái nhìn của Cựu ước về lòng hiểu thảo với Cha Mẹ được Thiên Chúa chúc lành (Hc 3,3-, năm A); ca tụng lòng hiếu thảo (St 15,1-6; 21,1-3, năm B); mô tả gia đình của Samuel, với cha mẹ đạo đức, tuân giữ lề luật Chúa (1Sam 1,20-28).
Sau cùng là ba bài thư của các Tông đồ, là những áp dụng cụ sứ điệp của Tin Mừng của Chúa Kitô kể vào trong gia đình : bài sách thánh cổ điển nhất, rút từ thư gửi giáo đoàn Coloxê, nói về bổn phận của từng phần tử trong gia đình : vợ chồng, cha mẹ, con cái (Cl 3,12-21, năm A, hoặc cả ba năm). Trong năm B đọc thư gửi tín hữu Do thái, trình bày gương đức tin của gia đình ông Abraham (Dt 11,8.11-12.17-19, năm B); còn năm C, bài trích từ thư thứ I của Thánh Gioan, nói về tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta và giới luật bác ái, và bây giờ luật này áp dụng vào đời sống gia đình (1Ga 3,1-2.21-24). Vì các bài đọc Cựu Ước và Thư các Tông đồ được thêm vào cho năm B và C, chưa được dịch sang tiếng Việt, nên chúng ta chưa xử dụng được và hiểu biết về sứ điệp về gia đình.
Riêng đối với mỗi người bài học gia đình Nagiarét được Đức Thánh Cha Phaolô VI quảng diễn như sau trong bài giảng của Ngài tại Nagiaret vào năm 1964, như sau : ² Nagiarét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giêsu; đó là trường học của Tin Mừng.
Tại đây trước tiên chúng ta học quan sát, học lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương. Có lẽ chúng ta còn phải học để ầm thầm noi theo.
Tại đây chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Kitô là ai. Tại đây chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Nguời cư ngụ giữa chúng ta : địa điểm, thời gian, phong tục,ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo,và tất cả hững gì Đức Giêsu đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế gian. Tại đây, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa. ....² (Sách Các giờ kinh phụng vụ, tập I, Lễ Thánh Gia Thất, Giờ Kinh sách, Lễ Thánh Gia thất, Chúa Giêsu Kitô, Đức Maria, Thánh Giuse).
Như vậy việc cử hành lễ Thánh gia thất, mang nhiều ý nghĩa : trong phạm vi thần học, lễ này làm nổi bật mầu nhiệm nhập thể; trong khía cạnh phụng vụ, lễ này hướng về Giáo hội như là gia đình tế tự và cầu nguyện tôn vinh Thiên Chúa; và sau cùng theo ý nghĩa tu đức, nhờ gương gia đình thánh tại Nagiarét, các gia đình công giáo biết sống trưởng thành trong đức tin, đức cậy, đức ái, giữa các phần tử trong gia đình và trong mọi cảnh huống, khi hạnh phúc may lành cũng như khi hoạn nạn khổ đau, như trong Lời nguyện hiệp lễ đọc như sau : ² Lạy Cha nhân từ, Cha đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh thể, xin cho chúng con hằng noi gương Thánh Gia Thất, để sau đời khổ ải, được cùng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh cả Giuse hưởng vinh phúc muôn đời² . Amen.

Ngày 27-12, Thánh Gioan Tông Đồ, Thánh Sử

Một trong những vị tông đồ đã nói về tình yêu nhiều nhất là Gioan, thánh sử. Vị tông đồ trẻ,� được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt vì đời sống trinh nguyên, thánh thiện đã để lại cuốn Phúc Âm� thứ tư thuật lại tất cả đời sống của Chúa Giêsu. Thánh nhân đã được Giáo Hội mở đầu ca nhập lễ bằng những lời này:" Thánh Gioan ngả đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly. Hạnh phúc thay vị Tông Ðồ, đã được tỏ cho biết các mầu nhiệm trên trời, và đã phổ biến lời hằng sống trên khắp thế gian ( Hc 15, 5 ).

THÁNH GIOAN TÔNG ÐỒ

Thánh Gioan quê ở Bethsaiđa, xứ Galilêa. Thánh Gioan như nhiều Tông đồ khác, trước khi được Chúa mời gọi, đã làm nhiều nghề khác nhau trong xã hội Do Thái lúc đó. Có vị làm nghề lao động chân tay, làm vườn, có vị làm nghề thu thuế và hầu hết các Tông đồ trước kia làm nghề chài lưới. Thánh Gioan đã cùng cha của mình là Giêbêđê và anh là Giacôbê làm nghề chài lưới. Tin Mừng có đoạn đã thuật lại việc hai ông Giacôbê và Gioan có lẽ đã xúi mẹ mình tới xin xỏ với Chúa Giêsu: một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa Giêsu trong nước của Chúa ( Mt 20, 21 ). Gioan là một trong số mười hai Tông đồ được Chúa Giêsu yêu thương nhất vì rằng Gioan và Phêrô đã được chứng kiến phép lạ Chúa làm cho con gái ông Zairô sống lại. Thánh Gioan, Giacôbê và Phêrô đã từng được hưởng giờ phút ngây ngất trên núi Tabôrê khi Chúa biến hình( Mt 16, 1-8; Mc 9,2-8; Lc 9, 28-36 ) và các Ngài cũng được thông chia, hiệp thông giây phút đau khổ nhất của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu ( Mt 26, 36- 42 ). Thánh Gioan cũng được hạnh phúc tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly và dưới chân Thập Giá, thánh Gioan đã được hạnh phúc lớn lao, Chúa Giêsu trối Ðức Mẹ cho Người và ngược lại:" Ðây là Mẹ của con "( Ga 20, 27 ).Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Thánh Gioan còn được hân hạnh thông báo cho thánh Phêrô biết Chúa đã phục sinh trong buổi sáng Chúa Giêsu sống lại ( Ga 20, 1-10 ).

THÁNH GIOAN CON NGƯỜI QUÁ ÐẶC BIỆT

Suốt cuộc đời của thánh Gioan từ khi Chúa kêu gọi ông, cho tới khi Ông nhắm mắt lìa đời, lúc nào thánh Gioan cũng được ở gần bên Chúa và lúc nào Ông cũng được chứng kiến những việc Chúa làm. Vì được Chúa yêu như thánh Gioan tự giới thiệu:" người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến"( Ga 13, 23; 19, 26; 20, 2.). Thánh Gioan đã làm chứng rằng Ngài sống bên Chúa, cùng ăn, cùng phục vụ với Chúa(Ga 21, 13 ). Thánh Gioan là một trong vài người đã thấy ngôi mộ trống và là một nhân chứng cho biến cố phục sinh. Ðời sống của thánh Gioan quả thật đặc biệt, thánh Augustinô đã nói:" Từ trong lồng ngực Chúa, Gioan đã tìm thấy nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết". Origênê kết luận:" Chỉ có con người được dựa vào ngực Chúa và được Chúa trao cho Mẹ Maria mới có thể hiểu" mọi bí nhiệm của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gioan Tông đồ để mạc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho chúng con. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu thánh nhân đã truyền lại( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gioan Tông đồ ).
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Ngày 26 - 12,Thánh Stephano, Tử Đạo tiên khởi


Thánh STÊPHANÔ, Tử Đạo Tiên Khởi
Thật đáng tiếc khi chúng ta không biết được nhiều hơn về thánh Stephanô. Như một người trong số người Do thái lưu lạc nói tiếng Hy Lạp, được giáo dục theo văn minh La-Hy và như vị tiền hô của thánh Phaolô, Ngài là một nhân vật rất quan trọng trong lịch sử Giáo hội thời sơ khai. Có chút hiển nhiên là Ngài đã được giáo dục tại Alexandria. Có lẽ Ngài thuộc vào số những người "Hy Lạp" tìm Chúa vào những ngày cuối cùng của Người trên trần gian (Ga 12,20). Nếu đúng như vậy thì quả Ngài đã chứng minh nơi con người mình những lời Chúa Giêsu đã nói rằng: "hạt lúa mì không thể sinh hoa trái nếu không rơi xuống đất và chết đi" (Ga 12,24-25).
Ngài xuất hiện lần đầu trong lịch sử như một trong bảy vị Phó tế các tông đồ đã tấn phong (Cv 6) để trợ giúp các Ngài trong việc quản trị, nhưng Ngài dường như đã dấn mình vào việc rao giảng và hộ giáo hướng tới những hội đường nói tiếng Hy Lạp. Chính ở nơi một những hội đường này mà nhóm người "tự do" đã tố cáo Ngài truóc hội đồng công tọa như một người lạc đạo. Họ bắt giam và thử thách thánh Stephanô.
Diễn từ Stephanô nói để biện minh cho mình được thánh Luca kể lại khá dài dòng và xem ra có hơi buồn đối với độc giả tân tiến. Đó là gì, nếu không phải là một đoạn lược tóm lịch sử Cựu ước ? Tại sao nó lại đưa những người học thức tới cơn giận dữ không kiềm chế nổi ?
Bởi vì sự vặn ngược trong đó cũng như sự giải thích minh nhiên hoặc mặc nhiên không đặt vào câu chuyện. Ngài đưa ra hai điểm: trước hết, Thiên Chúa không chỉ tìm được trong đền thờ hay ở Giêrusalem hoặc ở Palestina, nhưng ở bất cứ nơi nào. Thiên Chúa ở với Abraham tại Chaldes, với Giuse ở Ai cập, với Môsê trên núi Sinai, với dân Israel trong sa mạc,với David cả trước khi xây cất đền thờ. Điểm thứ hai là các nhà lãnh đạo chính thức của Do thái thường hay khước từ sứ giả của Chúa. Các tổ phụ bán Giuse đi làm nô lệ, miêu duệ của họ bắt Môsê phải lưu lạc, trong hoang địa, Aaron dẫn họ xa khỏi lề luật mà thờ ngẫu tượng. Liên tiếp, các thủ lãnh của dân Do thái đã loại bỏ, ném đá và bắt bớ những ngôn sứ của Chúa. Bấy giờ tới tuyệt đỉnh, họ đã sát hại Đấng thiên sai, người công chính, Con người. Nhưng Chúa Giêsu bây giờ đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong vinh quang.
Hội đồng công tọa điên tiết. Họ xô Stephanô ra một chỗ ở ngoài thành và ném đá. trước khi chết, Ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ". Lời cầu đã được Chúa và cả Saulê nghe thấy. Saulê có mặt trong vụ này. Ông biết mình đang chứng kiến một tội phản. Tự mình, ông không ném đá nhưng giữ áo cho nhóm người hành sự. Sau này, ông cố trấn an lương tâm bằng việc bắt bớ dữ dội các Kitô hữ khác. Nhưng khốn cho ông khi đạp mũi nhọn. Sau đó không lâu, ông đi Damas, con đường dẫn ông tới cuộc tử đạo như Stephanô. Thánh Augustinô nói: "Nếu Stephanô không cầu nguyện, Giáo hội khó có thể có được một Phaolô".

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Ngày 28-12, các Thánh Anh Hài


Hêrôđê "Ðại Ðế", là vua xứ Giuđêa nhưng không được dân chúng mến chuộng vì ông làm việc cho đế quốc La Mã và ông rất dửng dưng đối với tôn giáo. Vì lý do đó ông luôn cảm thấy bất an và lo sợ bất cứ đe dọa nào đối với ngai vàng của ông. Ông là một chính trị gia giỏi và là một bạo chúa dám thi hành những việc tàn bạo. Ông giết chính vợ ông, anh của ông và hai người chồng của cô em, đó chỉ là sơ khởi.
 
Phúc Âm theo Thánh Mátthêu 2:1-18, kể cho chúng ta câu chuyện sau: Hêrôđê "thật bối rối" khi các nhà chiêm tinh đến từ Đông phương, hỏi về "Vị vua mới sinh của người Do Thái," mà họ đã thấy ngôi sao của người. Và các vị chiêm tinh được cho biết, trong Sách Thánh Do Thái có đề cập đến Bêlem, là nơi Ðấng Cứu Tinh sẽ chào đời. Một cách xảo quyệt, Hêrôđê dặn họ là hãy báo cho ông biết sau khi tìm thấy vị vua ấy, để ông cũng "đến thần phục." Các nhà chiêm tinh đã tìm thấy Hài Nhi Giêsu, họ dâng Ngài các lễ vật, và được thiên thần báo mộng về ý định thâm độc của Hêrôđê và khuyên họ hãy thay đổi lộ trình trên đường về. Sau đó, Thánh Gia trốn sang Ai Cập.
 
Hêrôđê vô cùng tức giận, và "Ra lệnh tàn sát tất cả các con trai từ hai tuổi trở xuống, ở Bêlem và vùng phụ cận". Vì Bêlem là một thành phố nhỏ, số trẻ bị giết có lẽ khoảng 20 hay 25. Sự kinh hoàng của việc thảm sát, và sự tuyệt vọng của các cha mẹ, đã khiến Thánh Mátthêu trích dẫn lời tiên tri Giêrêmia: "Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Raken khóc thương con mình..." (Mt 2:18). Bà Raken là vợ của ông Giacóp. Bà than khóc ở Rama, là nơi người Do Thái bị tập trung lại, sau khi bị người Assyria bắt làm tù binh.
 
Lời Bàn
Hai mươi trẻ em thì chỉ là số ít, so với sự diệt chủng và sự phá thai trong thời đại chúng ta. Nhưng dù đó chỉ là một người, chúng ta cũng phải nhớ đến tạo vật quý trọng nhất mà Thiên Chúa đã dựng trên mặt đất - đó là con người, được tiền định để sống đời đời và được chúc phúc nhờ sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu.
 
Lời Trích
"Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự sống, ngay cả trước khi chúng con có thể hiểu biết" (Lời Nguyện Trên Lễ Vật, Lễ Các Thánh Anh Hài).

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Ngày 10-11 THÁNH LÊÔ CẢ GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

THÁNH LÊÔ CẢ
GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
(~400 - 461)
1.Đôi hàng lịch sử
Thánh Lêô Cả có lẽ sinh tại Etrurie nước Ý khoảng năm 400. Ngài là phó tế của giáo đoàn Rôma. Chúc vụ phó tế lúc đó là chức vụ rất quan trọng vì người giữ chức vụ đó giữ vai trò đại diện cho Ðức Thánh Cha trong các công việc tài chính...
Tháng 8 năm 440, ngài được cử lên ngôi Giáo Hoàng lấy hiệu là Lêô I.
Công việc chính của ngài là lo tẩy trừ các tệ nạn đồi phong bại tục trong Giáo Hội. Ngài luôn để ý đến việc gìn giữ Giáo Hội khỏi những lầm lạc do các bè rối đem lại, nhất là lạc giáo Nestoriô và Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính ra khỏi Thiên tính của Chúa Giêsu và gán cho Ngài hai ngôi vị. Ðể chấm dứt các hậu quả tai hại do các bè rối gây nên, ngài đã triệu tập công đồng năm 451 tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám Mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các hoàng đế, công đồng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Ngài có tài hùng biện và ngoại giao đặc biệt, có thể thuyết phục được những người hung dữ. Ðiển hình là tháng 8 năm 452, Attila chúa rợ Hung (Huns) dẫn quân xâm chiếm Âu Châu, gieo rắc kinh hoàng cho mọi người. Attila kéo quân về Rôma, cả kinh thành run sợ. Nhưng nhờ có Chúa và nhờ tài đức, ngài đã khắc phục được vị tướng đó rút quân trở lại con đường cũ. Năm 455, lại có Gensérie nổi lên đốt phá, hãm hiếp và tàn sát dân lành, chính nhờ ngài mà loạn quân không còn gieo tai họa nữa.
Thêm vào đó, ngài còn lo chấn hưng tinh thần đạo đức của giáo dân đã sa sút. Các bài giảng của ngài tuy đơn sơ, nhưng luôn bao hàm nhiều tính chất thần học. Ngài cũng đã viết nhiều sách vở để bênh vực Giáo Hội, chống lại tà thuyết.
2. Bài học
Có lẽ bài học rõ ràng nhất về cuộc đời vị Giáo Hoàng đặc biệt này là uy quyền và lòng can đảm trong công việc bảo vệ và canh tân Hội Thánh cũng như khi phải đối diện với những thử thách trong cuộc sống của mọi người.
Một trong những việc đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của Đức Lêô Cả Giáo Hoàng là hoàn cảnh lúc ngài mới nhận nhiệm vụ coi sóc và hướng dẫn Hội Thánh. Hồi đó Giáo Hội và đế quốc Rôma phải đương đầu với tình trạng khủng hoảng là nguy cơ dân man di xâm lăng Rôma và sự đe dọa phá hoại niềm tin của lạc giáo Nestoriô và EutychesVới tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường vị tân Giáo Hoàng đã can đảm đương đầu với những thế lực đen tối kia.
Công việc đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ngài là điều chỉnh lại những sai lầm về đức tin và phong hoá trong Giáo Hội, nhất là bảo vệ niềm tin tinh tuyền của Hội Thánh khỏi bị lầm lạc. Bởi lẽ lạc giáo Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính khỏi thần tính Chúa Kitô và chủ trương Đức Kitô có hai ngôi vị. Ngài đã rút phép thông công những người cố chấp theo lạc giáo đồng truyền đốt hết các sách vở lạc giáo.
Để chấm dứt những sai lạc do các bè rối gây ra, đức Lêô Cả đã triệu tập một công đồng chung tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các Hoàng đế, công đồng đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy ngài không đích thân đến chủ tọa, nhưng đã cử đặc sứ đến đại diện. Bức thư ngài viết gởi Phavianô được tất cả các Đức Giám mục hoan nghênh. Cả về từ ngừ và tư tưởng thần học trong bức thông điệp đều được dùng làm nền tảng cho những nghị quyết về tín lý của Công đồng.
Điểm tiếp theo là ngài để tâm chăm sóc đặc biệt đến hàng giáo phẩm, cấm các giáo sĩ không được tham gia các chức vụ phần đời. Chính ngài đã ban nhiều thông điệp khuyên hàng giáo sĩ hãy cố gắng sống đời sống thánh thiện gương mẫu xứng với chức vụ của mình. Ngài lưu ý các linh mục và các Giám mục phải thận trọng trong việc tuyển chọn những người có tư cách xứng đáng để lãnh nhận các chức vụ thánh vì nếu không sẽ gây thiệt hại cho Giáo Hội và quốc gia.
Cuối cùng một sự kiện lịch sử mà người ta không thể không nói tới. Tháng 8 năm 452 Áttila một lãnh chúa oai hùng của người Hung mà vó ngựa của ông đã dày xéo khắp Á Châu, nay lại muốn dày xéo cả Âu Châu. Áttila đem đoàn quân kỵ mã tiến về Rôma. Cả kinh thành run sợ khiếp vía. Nhưng chính lúc đó, Thiên Chúa, qua vị đại diện của Ngài là đức Lêô I đã làm một việc khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc.
Trước đó, đức Lêô I đã hiệu triệu Rôma và toàn thế giới Công giáo cầu nguyện và hy sinh một tuần. Hàng vạn kỵ binh quân Hung do Áttila cầm đầu rầm rộ tiến về hướng Rôma và dừng lại bên bờ sông Minsiô để quan sát tình hình. Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Lêô I với trang phục đại trào dẫn đầu một đoàn rước đông đảo tiến về phía bờ sông. Theo sau ngài có một đoàn các Giám mục, Linh mục, tu sĩ mặc lễ phục hay tu phục vừa đi vừa hát thánh ca, thánh vịnh. Khi hai biển người giáp mặt đối diện với nhau ở hai bên bờ sông Minsiô thì người ta nhận thấy có một sự tương phản hết sức rõ rệt: Một bên là bừng bừng sát khí, bên kia là hiền hoà khả ái; một bên là hận thù ghen ghét, bên kia là tha thứ yêu thương. Tiếng ngựa hí xen lẫn tiếng lẻng kẻng của võ khí không lấn át tiếng hát lời Kinh.
Lãnh Chúa Áttila ngồi bất động trên lưng ngựa, ra chiều suy nghĩ. Tiếng hát huyền diệu và lời Kinh đã nâng lòng ông lên chăng? Hay một sức linh thiêng nào đó đã cuốn hút ông đưa ông trở về cái cốt lõi của con người là lòng nhân ái. Thế rồi ông giơ cao thanh kiếm ra lệnh rút quân trong thinh lặng. Đoàn con Chúa trở về trong tiếng hát mà không phải đổ một giọt máu nào. Tạ ơn Chúa vô cùng.   
Sau cuộc chiến thắng vẻ vang không đổ một giọt máu, đức Lêô khải hoàn vào thành giữa tiếng hoan hô của muôn người.
Sau gần 21 năm cai trị Giáo Hội trên toà thánh Phêrô, công lao của đức Lêô đối với Giáo Hội thật đáng kể. Ngày 11 tháng tư năm 461 ngài êm ái từ trần trong tay Chúa để lại bao mến thương cho toàn thể Giáo Hội nói chung và dân tộc Italia nói riêng. Xác ngài được an táng tại đại giáo đường thánh Phêrô. Lịch sử đã gọi ngài là Lêô Cả vì quả thực ngài là một trong những vị Giáo Hoàng vĩ đại của lịch sử Hội Thánh.

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Thánh Giuse Lê Ðăng Thị (1825-1860)


Giuse Lê Ðăng Thị (1825-1860)



           

 Giuse Lê Ðăng Thị, Sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 24/10.



Cùng bạn về trời



Đúng ngày bị hành quyết, cai đội Giuse Lê Đăng Thị thức dậy rất sớm. Ông đánh thức một tù nhân bị xử tử cùng ngày, rồi đưa anh vào một gócnhà giam. Sau nhiều ngày tận tâm hướng dẫn người bạn dự tòng này, hôm nay (24.10) ông nghiêm trang đổ nước rửa tội cho anh "Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần". Thế là ông có một người bạn đồng hành với mình vào quê hương vĩnh phúc trên Trời.



Giuse Lê Đăng Thị sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, làng Văn Quy, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Thân phụ anh giữ chức Cai đội. Lớn lên anh cũng theo nghề của cha, xin nhập ngũ và phục vụ trong quân đội nhà vua. Một thời gian sau, anh được thăng Chưởng vệ trông coi lính ở Hà Tĩnh, rồi được dời vào Nghệ An. Tại đây, anh lập gia đình và sống hạnh phúc với vợ con.



Bão tố và niềm tin.



Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện ra lệnh của mình chưa được thi hành đồng loạt, vì ngay trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng có người theo đạo Công Giáo. Ngày 15.12.1859, nhà vua ra thêm một chiếu chỉ bắt tất cả các quan có đạo đó. "những quan nào có đạo (theo tà đạo), dù thành thực bỏ đạo cũng phải truất chức. Cần phải điều tra cẩn thận để tìm thêm những viên chức triều đình theo tà đạo. Những ai không tố giác, hoặc chứa chấp trong nhà mình, cũng bị trừng phạt như chúng…". Nhà vua còn bắt tất cả các quan quân phải bước qua Thánh Giá trước khi ra trận đánh giặc Tây. "Ai không bỏ đạo sẽ bị giải ngũ, bị khắc chữ tả đạo vào má và phát lưu".



Theo lời khuyên của quan trấn thủ, ông cai đội Lê Đăng Thị làm đơn xin xuất ngũ lấy cớ bệnh tật. Đơn xin được chấp thuận, ông trở về quê cũ để vợ con ở lại Nghệ An. Tháng giêng năm 1860, chiếu chỉ vua Tự Đức trên đây được áp dụng triệt để trên toàn quốc, ông cai Thị vì có kẻ tố giác, nên bị bắt ngày 29.1, cùng với một số bạn đồng ngũ khác và bị giải về Quảng Trị. Ông vui vẻ nhận mình là cai đội và là Kitô hữu.



Cuối tháng hai, ông phải ra tòa cùng với 31 quân nhân khác. Trong số đó có ba người bỏ đạo. Tất cả đều bị cách chức, một được tha về vị gìa yếu, còn lại 10 người bị thích tự, lưu đày chung thân, 17 người bị án tử hình giam hậu.



Riêng ông cai Lê Đăng Thị nhận án xử giảo, nhưng hẹn đến cuối tháng mười mới thi hành. Từ đó ông được đưa về giam ở khám đường Huế. Trong một lá thư gửi về cho vợ, ông viết: "Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày".



Xứng danh huynh trưởng



Suốt thời gian trong tù, vì là người có cấp bậc cao nhất, ông cai Thị khích lệ các anh hùng đức tin cùng bị giam bằng lời nói và nhất là bằng mẫu gương trung thành, cam đảm. Cũng do chức vụ ấy, ông bị mang một gông rất nặng và bị đánh đập tra tấn nhiều hơn mọi người. Dù còn trẻ trung sung sức, nhưng trước những cực hình dã man, ông đã ngã bệnh. Khi đó, ông chia sẻ với các bạn tù lo lắng lớn nhất của mình. ông nói : "Tôi không rõ Chúa có cho tôi sống đến ngày tử đạo không. Tôi sợ bệnh tật làm tôi chết sớm hơn. Than ôi ! Chắc vì tội tôi, nên Chúa từ chối cho tôi ơn trọng ấy".



Một linh mục đã đến thăm và giải tội cho ông. Hôm sau một thày giảng cũng lén vào trao Mình Thánh Chúa cho ông. Ngày 24.10.1860, ông Cai bị dẫn đi hành hình. Viên quan đề nghị ông lần cuối cùng xuất giáo, và hứa xin vua ân xá, nhưng ông cai Thị quyết liệt từ chối. Bản án của ông được ghi như sau : "Lê Đăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được. Y bị kết án xử giảo cuối mùa thu".



Vạn phúc



Tại pháp trường An Hòa (Huế), ông Cai kính cần qùy trên chiếc chiếu cầu nguyện. Một linh mục đứng lẫn trong đám dân chúng ra dấu và giải tội lần cuối cho ông. Sau đó, ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi sắp được tử đạo". Lý hình quấn một sợi dây vào cổ ông cai đội, rồi chia ra hai bên kéo thật mạnh cho tới khi chứng nhân Chúa Kitô tắt thở. Các tín hữu Phủ Cam tổ chức lễ an táng đông đảo tại xứ mình. Hiện nay hài cốt vị tử đạo còn được lưu giữ tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế - Huế.



Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.



Nguồn từ tu viện Đa Minh

Trường thi tử Đạo.



Lê Ðăng Thị sinh năm Ất Dậu (1825)

 Tại Kẻ Văn Phú Hậu miền Trung

 Gia đình binh nghiệp ung dung

 Võ quan tài giỏi tin cùng giáo dân



 Khi chiếu chỉ có phần gay gắt

 Lê Ðăng Thị sắp đặt phục viên

 Ðơn xin bệnh hoạn đưa lên

 Cấp trên chấp nhận về liền Nghệ An



 Thêm chiếu chỉ liên can toàn quốc

 Ai trốn chui bắt được tố ra

 Ðăng Thị có kẻ ghét mà

 Lên quan tố giác trước tòa quân nhân



 Thị bị bắt về phần lẩn trốn

 Trong số này có bốn bạn thân

 Giải về Quảng Trị Trung Phần

 Ðể quan xét xử tội nhân ra tòa



 Ông Ðăng Thị nhận là Chưởng vệ

 Rõ đầu đuôi sự thể xin ra

 Kitô hữu đúng thật mà

 Giải ông về Huế rồi là tống giam



 Cùng đồng bạn lệnh ban xử giảo

 Ngồi trong tù anh thảo bức thư

 Nghĩ rằng còn gặp nữa ư

 Thương em anh nhớ giã từ các con



 Ở trong ngục cấp còn cao nhất

 Ông Ðăng Thị, chân thật sẻ chia

 Trung thành can đảm nọ kia

 Cấp cao gông nặng, mũ hia dữ đòn



 Tuy tuổi trẻ không còn sung sức

 Lắm cực hình đau tức lâm nguy

 Tâm tình với bạn thầm thì

 Chúa cho tôi sống để đi pháp trường



 Sợ bệnh hoạn dở dương chết sớm

 Chắc vì tôi mắc vướng tội nhiều

 Nguyện cầu xin Chúa thương yêu

 Cho con ơn trọng là điều ước mong



 Một Linh mục vào trong giải tội

 Sau có thầy tìm lối đến trao

 Máu Mình Thánh đã đem vào

 Ngày mai Chưởng vệ giải giao pháp trường



 Giờ phút cuối quan thường khuyên giải

 Xuất giáo đi án cải xin vua

 Ông Thị quan chớ giỡn đùa

 Tôi trung của Chúa là Vua Nước Trời



 Lính dẫn giải ra nơi để xử

 Giuse Thị vẫn cứ nguyện cầu

 Một Linh mục đến từ lâu

 Giải tội lần chót phép mầu trao ban



 Ông hô lớn Thiên Ðàng vạn phúc

 Bọn lý hình tới lúc xiết dây

 Chứng nhân tắt thở rồi đây

 Phú Cam tổ chức tràn đầy giáo dân



 Phúc tử đạo Canh Thân (1860) sử sách



Một võ quan tư cách tuyên xưng

 Pháp trường cầu nguyện không ngừng

 Suy tôn Kỷ Dậu (1909) vui mừng Nước Cha



 Ngay giáo xứ mở ra an táng

 Là chứng nhân xứng đáng Giuse

 Hồng ân Thiên Chúa lắng nghe

 Về sau hài cốt chở che nhà dòng



 (Hài cốt Giuse Lê Ðăng Thị Chưởng vệ được đặt trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế)



Lời bất hủ: Bản án của ông Cai đội như sau: "Lê Ðăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được". Y bị kết an xử giảo cuối mùa thu. Khi nghe bản án xong ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc, vạn phúc! Tôi sắp được Tử đạo".

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Thánh Anrê Kim Têgon và thánh Phaolô Chong Hasang

Thánh Anrê Kim Têgon
 và thánh Phaolô Chong Hasang

Thánh Anrê Kim Têgon là linh mục và thánh Phaolô Chong Hasang là một tín hữu Công giáo. Hai vị tử đạo này đại diện cho nhiều Kitô hữu đã hy sinh mạng sống vì đức tin tại Hàn quốc. Các ngài được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 1984 nhân chuyến viếng thăm đất nước này.

Kitô giáo được những giáo dân đem vào Hàn quốc hồi thế kỷ thứ 17. Các tín hữu đã âm thầm nuôi dưỡng và tăng triển đức tin của họ dựa trên lời Chúa. Các linh mục thừa sai trẩy tàu từ Pháp sang Hàn và giới thiệu cho dân Hàn hiểu biết về đời sống bí tích của Hội Thánh. Thỉnh thoảng, suốt dọc thế kỷ thứ 19, đức tin Kitô giáo bị chính phủ Hàn bách hại. Từ năm 1839 đến năm 1867, đã có tổng cộng 103 tín hữu Hàn bị giết hại. Cũng có mười thành viên của hiệp hội Thừa Sai Pari nước ngoài chịu tử vì đạo: gồm 3 giám mục và 7 linh mục. Điều này đã nâng tổng số các thánh tử đạo lên 113 vị.

Thánh Anrê Kim Têgon và thánh Phaolô Chong Hasang là đại diện cho các Kitô hữu Hàn đã can đảm hy sinh mạng sống mình vì tình yêu Chúa Kitô. Thánh Anrê Kim Têgon, linh mục đầu tiên của Hàn quốc, đã tử vì đạo ngày 16 tháng Chín năm 1846, chỉ một năm sau khi được thụ phong. Thân phụ của Anrê đã tử đạo năm 1821. Thánh Phaolô Chong Hasang là một giáo lý viên rất anh dũng. Thánh nhân chịu tử đạo hôm 22 tháng Chín năm 1846.

Giáo hội vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng tại Hàn quốc. Món quà đức tin được tiếp nhận và được tô bồi nhờ công lao của các thánh tử đạo, những người đã hy sinh làm đá lát đường.

 Mỗi vị tử đạo là một bài giảng âm thầm. Khi chúng ta suy ngắm cái chết của một vị tử đạo nào đó, chúng ta học được một sứ điệp. Chúng ta hãy nài xin các thánh tử đạo Hàn quốc giúp chúng ta cũng yêu mến Chúa Giêsu và Giáo hội cách tha thiết như vậy.